Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Vai trò của trung tâm dạy nghề trong phát triển nguồn lao động trực tiếp và xoá đói giảm nghèo

Khi đề cập đến vai trò của trường dạy nghề, các đại biểu trong và ngoài nước tham gia hội thảo quốc tế giữa Việt Nam với các nước thành viên tổ chức Đối thoại hợp tác châu Á - ACD tổ chức trong các ngày 24- 25/5/2007 tại Hà Nội đã trình bày nhiều mô hình và kinh nghiệm hay trong dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, xoá đói giảm nghèo.

Nếu như hệ thống dạy nghề của Thái Lan và Bu-tan luôn nhận được sự quan tâm trực tiếp từ Nhà Vua với triết lý và sáng kiến độc đáo “Mỗi làng một nghề truyền thống”, thì I-ran lại khuyến khích mô hình dạy nghề từ xa (mobile training),, Phi-li-pin áp dụng cộng nghệ thông tin và truyền thông trong dạy nghề để người dân khu vực nông thôn, phụ nữ và đối tượng thiệt thòi có thể tiếp cận rộng rãi; còn Xinh-ga-po có hệ thống dạy nghề chất lượng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao...

Ở nước ta, trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, công tác dạy nghề từng bước phục hồi và phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn lao động trực tiếp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phù hợp với cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đóng góp vào thành công chung đó, phải kể đến mạng lưới các trung tâm dạy nghề (TTDN) - loại hình cơ sở dạy nghề phổ biến, chủ yếu dạy nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề), có vai trò quan trọng trong dạy, bổ túc, bồi dưỡng nghề, đáp ứng yêu cầu đa dạng, linh hoạt và luôn biến động của thị trường lao động.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tiếp thu các tiến bộ về khoa học và công nghệ phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ lao động kỹ thuật, đội ngũ trí thức. Do vậy, muốn phát triển kinh tế cần phải đầu tư cho con người mà cốt lõi là đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực lao động trực tiếp. Cũng với ý nghĩa đó, nhiều nhà khoa học đã cho rằng, cần phải có một lực lượng lao động được đào tạo phù hợp với sự phát triển của các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Tất nhiên phát triển nguồn nhân lực không chỉ là phát triển giáo dục, đào tạo mà còn là phát triển nền y tế, chăm sóc sức khoẻ và nâng cao mức sống dân cư, nhưng giáo dục, đào tạo nói chung, dạy nghề nói riêng vẫn là cốt lõi của chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Xác định đang trong giai đoạn đầu của tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, như vậy về mặt thời gian, Việt Nam đã đi sau một số nước đang phát triển trong khu vực và trên thế giới. Sau 20 năm thực hiện đổi mới, mặc dù đã đạt được những thành tựu nổi bật trên một số lĩnh vực, nhưng về cơ bản Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp với gần 74% dân số sống ở nông thôn, chủ yếu làm nông, lâm, ngư nghiệp. Và dù đã qua hàng chục năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất, nhưng đến nay khu vực nông thôn với 32 triệu lao động vẫn chiếm gần 70% lực lượng lao động cả nước, mỗi năm lại tăng thêm gần 1 triệu lao động chưa có việc làm. Đó là chưa kể gần 30% thời gian lao động ở khu vực nông thôn chưa được sử dụng khiến ở nhiều vùng sâu, vùng xa, đời sống của nhân dân còn rất khó khăn.

Khi nền kinh tế nước ta còn trong cơ chế bao cấp, dạy nghề chủ yếu được tiến hành trong các trường dạy nghề chính quy và tại các lớp dạy nghề cạnh doanh nghiệp. Dạy nghề trong giai đoạn này được kế hoạch hóa cao độ từ tuyển sinh đến phân công học sinh sau khi tốt nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của khu vực kinh tế quốc doanh. Sau năm 1986, công cuộc đổi mới đã tạo ra những biến đổi hết sức sâu sắc về kinh tế, xã hội, với sự xuất hiện của nhiều thành phần kinh tế, thị trường lao động từng bước được hình thành. Đứng trước yêu cầu về nghề nghiệp, việc làm của người lao động, dạy nghề đã có những bước thay đổi tích cực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Một trong những thay đổi đó là sự đa dạng hóa loại hình, trình độ đào tạo, với sự phát triển của nhiều loại hình cơ sở dạy nghề.

Trung tâm dạy nghề là cơ sở dạy nghề linh hoạt mà dạy nghề ngắn hạn là chủ yếu đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ban đầu một số trung tâm được thành lập ở các huyện sản xuất nông nghiệp, sau đó đã phát triển nhanh chóng ở các quận, huyện, thị xã, thành phố. Nếu năm 2001 chỉ có 150 trung tâm dạy nghề, thì đến năm 2005, cả nước có 404 TTDN, trong đó có 249 trung tâm công lập, 135 ngoài công lập, 165 do cấp huyện trực tiếp quản lý. So với năm 2000, số lượng các TTDN tăng 2,7 lần và phát triển tương đối đồng đều tại tất cả các vùng trong cả nước, đặc biệt tại các vùng Đông Bắc, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến tháng 4/2007, cả nước đã có 599 TTDN (trong đó có 201 trung tâm tư thục) và dự kiến đến năm 2010 sẽ có trên 700 trung tâm (trong đó có 300 mới thành lập). Dạy nghề tại các TTDN trở thành cứu cánh cho nhiều người lao động, nhiều hộ gia đình khó khăn. Cùng với các cơ sở dạy nghề khác, các TTDN vào cuộc một cách tích cực, chủ động, lăn lộn trên địa bàn, vận dụng nhiều mô hình hiệu quả như dạy nghề cho nông dân, cho học sinh dân tộc thiểu số, cho bộ đội xuất ngũ; dạy nghề lưu động tại các thôn, bản... Với người nông dân, với học sinh dân tộc thiểu số, với những người nghèo ở vùng sâu, vùng xa... cơ hội đã đến với họ khi được dạy nghề, học nghề. Chỉ có học nghề họ mới có thể tham gia vào thị trường lao động, biết cách lao động, sản xuất, dịch vụ và biết cách tổ chức lao động sản xuất một cách hiệu quả ngay chính trên mảnh đất quê hương của họ. Có thể thấy vai trò của các trung tâm dạy nghề thể hiện trên các mặt sau:

Một là, mở rộng quy mô dạy nghề, góp phần phát triển nguồn nhân lực lao động. Cùng với phát triển mạnh về số lượng cơ sở dạy nghề, quy mô tuyển sinh trong thời gian qua đã tăng nhanh; từ 447 ngàn người năm 1997 lên 1,34 triệu người năm 2006, trong đó dạy nghề ngắn hạn (chủ yếu tại các TTDN) tăng từ 390.000 người lên 1,08 triệu người, nếu tính cả giai đoạn 2000-2005, mức tăng bình quân đạt 9,5%/năm.

Giai đoạn 2001-2006, cả nước đã dạy nghề cho 6,6 triệu người, tăng bình quân hàng năm 6,5%, trong đó dạy nghề cho nông dân là 1,8 triệu người; dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ 0,3 triệu người và hàng ngàn người khuyết tật; thí điểm và triển khai dạy nghề cho hàng ngàn thanh niên dân tộc thiểu số nội trú. Riêng năm 2006 đã dạy nghề cho 1,34 triệu người, tăng gần 2 lần so với năm 2001. Trong đó, dạy nghề ngắn hạn cơ bản tại các TTDN đạt 5,46 triệu người, tăng bình quân gần 6% năm, riêng năm 2006 là 1,08 triệu người, tăng gần 1,7 lần so với năm 2001. Trong năm học 2004 - 2005, các TTDN đã triển khai đào tạo trên 100 nghề thuộc 32 nhóm nghề thiết yếu phục vụ đời sống thường nhật như: may, tin học, cơ khí, gò hàn, kỹ thuật điện, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, điện tử, sửa chữa xe máy... Chất lượng cơ bản bảo đảm đã đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng lực lượng lao động của đất nước.

Hai là, tạo nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm cho người lao động, tham gia xóa đói giảm nghèo. Song song với đào tạo lao động trình độ cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo ở nông thôn. Phần lớn số người học nghề ngắn hạn sau khi được trang bị các kiến thức nghề nghiệp đã có cơ hội tốt hơn trong tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm tại địa phương. Vì vậy, các TTDN đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian làm việc của lao động nông thôn. Có thể nói, ngoài ý nghĩa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước nói chung, hoạt động của các TTDN còn có ý nghiã phát triển xã hội rất to lớn.

Mặt khác, các TTDN không chỉ dạy nghề cho người lao động mà còn trực tiếp hoặc gián tiếp tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho người lao động. Chỉ tính riêng các TTDN - giới thiệu việc làm, giai đoạn 1990-2006 đã tư vấn cho trên 3 triệu lượt người, giới thiệu và cung ứng lao động cho trên 2,5 triệu lao động; đào tạo nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm cho khoảng 1,8 triệu lao động. Đây là điều khác biệt của các TTDN so với các trường dạy nghề. Người lao động sau khi học nghề xong có thể tự tạo việc làm hoặc được các TTDN giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp. Nhiều người nghèo nhờ được dạy nghề, có nghề nghiệp, có việc làm nên thu nhập ngày càng tăng, thoát được cảnh nghèo khó. Một số người được giới thiệu cho các doanh nghiệp tuyển dụng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Để phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề nói chung, TTDN nói riêng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 phù hợp, đồng bộ với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, của từng ngành, vùng, địa phương và phát huy hiệu quả của các TTDN hiện có; đa dạng hoá các hình thức dạy nghề, tạo điều kiện cho người lao động, thanh niên, nông dân, người dân tộc thiểu số học nghề, lập nghiệp, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với các TTDN;

- Thực hiện Đề án phát triển xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010 theo Quyết định số 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH ngày 07 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư thành lập các TTDN tư thục, TTDN có vốn đầu tư của nước ngoài.

- Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các TTDN cấp huyện; hỗ trợ dạy nghề cho nông dân, người tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số.

- Điều tra năng lực dạy nghề của các TTDN kết hợp với xác định nhu cầu học nghề của người lao động tại các địa bàn có TTDN, trên cơ sở đó có kế hoạch đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn,kỹ năng nghề, nghiệp vụ, quản lý cho giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý tại các TTDN, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ.

- ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy nghề và quản lý dạy nghề: xây dựng các phần mềm phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và quản lý dạy nghề; xây dựng giáo án điện tử; hệ thống mạng thông tin về dạy nghề.

- Khuyến khích các TTDN nghiên cứu, sản xuất thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy nghề.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét