Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Bóng bàn cho người khuyết tật

TT - Suốt gần một năm qua, ngày nào HLV Phạm Tấn Triệu cũng chạy xe hơn 20km từ nhà đến Trung tâm dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) dạy bóng bàn không công cho trẻ khuyết tật.

Phóng to

Ông Triệu hướng dẫn VĐV khuyết tật tập bóng bàn - Ảnh: T.P.

Người thầy 53 tuổi này vốn xuất thân là cầu thủ bóng đá nhưng lại đam mê bóng bàn từ nhỏ. Ông học bóng bàn khá bài bản và từng tham dự nhiều giải chuyên nghiệp tại TP.HCM. Sau khi về hưu, ông lại dùng bóng bàn mang đến niềm vui cho người khuyết tật.

Tại Trung tâm dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM vào một ngày cuối tuần, mới 7g30 ông Triệu đã có mặt để dọn dẹp và sắp xếp bàn ghế. Mang tiếng là phòng tập bóng bàn nhưng kỳ thực đó chỉ là khoảng không gian trống gần 20m2 trong hội trường được tận dụng làm nơi tập.

Gặt hái quả ngọt

Sự tận tâm của HLV Phạm Tấn Triệu đã gặt hái quả ngọt khi chỉ sau chưa đầy một năm hoạt động, các học viên của “lò” bóng bàn này giành 8/9 HCV bóng bàn trẻ tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2012. Nhưng ông Triệu nói niềm vui lớn nhất của ông là được thấy các em cười: “Nụ cười của các em đã động viên, tiếp sức để tôi nỗ lực hơn với công việc của mình”.

Chiếc bàn bóng duy nhất đặt giữa phòng cũng đã có tuổi thọ đến hơn 50 năm được ông và bạn bè mượn từ một gia đình có truyền thống bóng bàn tại TP.HCM. Vì bàn đã quá cũ kỹ, được gia cố sửa chữa nhiều lần nên độ nảy bóng không còn chuẩn. Bóng, vợt, trang phục cho trẻ khuyết tật được ông Nguyễn Hồ Thanh - trưởng bộ môn bóng bàn Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình - và các mạnh thường quân hỗ trợ.

Khó khăn là vậy nhưng thầy trò luôn hăng say luyện tập. Thầy Triệu kiên nhẫn cầm tay chỉ từng động tác giao bóng, cắt bóng, đánh cú trái tay, thuận tay... cho học trò. Thậm chí, ông kiêm luôn vai trò người lượm banh và đẩy xe cho VĐV. Có lần ông bị cụp xương sống khi phải cõng cậu học trò nặng gần gấp rưỡi trọng lượng cơ thể mình. Nhiều lúc ông phải tự ngồi vào chiếc xe lăn đánh bóng để tìm hiểu cảm giác của các học trò, biết được những hạn chế khi ngồi xe lăn để có cách chỉ dạy tốt nhất. Cũng vì lao động cật lực trong thời gian dài, ông Triệu từng bị ngất vì kiệt sức khi đang dạy.

VĐV Nguyễn Cường Thịnh (19 tuổi) cho biết: “Tôi bị liệt từ năm 12 tuổi vì bệnh viêm tủy và mất phương hướng trong cuộc sống. Đến khi được thầy Triệu tập chơi bóng bàn, tôi cảm nhận lại được niềm vui cuộc sống. Nếu có khả năng, tôi mơ ước trở thành VĐV bóng bàn”.

Sau gần một năm, “lò” của thầy Triệu đã mang bóng bàn đến với gần 20 trẻ khuyết tật. Không phải ai trong số họ thi đấu đều có thành tích nhưng ít nhất bóng bàn giúp họ rèn luyện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng để có cuộc sống tốt hơn. Ông Triệu tâm sự: “Trẻ khuyết tật bị nhiều thiệt thòi trong cuộc sống và có rất ít sân chơi. Tôi tình nguyện làm công việc này vì muốn mang đến chút niềm vui cho các em. Tôi mệt vì đường sá xa xôi chỉ một phần nhưng cực vì truyền dạy bóng bàn cho các em đến mười phần. May mắn là các em luôn nỗ lực tập luyện khiến tôi rất vui”.

Những gì mà HLV Phạm Tấn Triệu đang làm quả là chuyện hiếm trong làng thể thao phong trào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét