Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Các trường dạy nghề ở TPHCM: Ngóng chờ người học

Như thường lệ, đến thời điểm này, lẽ ra nhiều trường dạy nghề ở TPHCM đã làm lễ khai giảng đón chào những người thợ tương lai của đất nước. Thế nhưng, trừ một số ít trường tuyển đủ hoặc gần đủ học viên theo chỉ tiêu, đa số còn lại đều dài cổ ngóng học sinh!

Ai học trường dạy nghề...

Có lẽ chưa năm nào cảnh tuyển sinh hệ đào tạo công nhân kỹ thuật (CNKT) ở các trường CNKT và trung học chuyên nghiệp (THCN) có dạy nghề của TPHCM lại đìu hiu như năm nay.

Ông Nguyễn Phan Hòa, Hiệu trưởng Trường Dạy nghề Nhân đạo cho biết: “Đến giờ này chúng tôi vẫn chưa thể khai giảng năm học mới vì chỉ mới tuyển được hơn 2/3 học sinh so với chỉ tiêu được giao”. Trường TH Nông nghiệp tiếp tục lâm vào cảnh tuyển sinh ế ẩm. Trường được phân trên 450 chỉ tiêu dạy nghề nhưng mới tuyển được vỏn vẹn 11 học sinh. Nhiều trường dạy nghề khác cũng rơi vào cảnh “lay lắt” chờ người học.

Trường Kỹ thuật Công nghiệp Thủ Đức mới tuyển được 70 học sinh/300 chỉ tiêu, Trường Công nhân Kỹ thuật Quang Trung : 94 học sinh/450, Trường TH Kỹ thuật nghiệp vụ Phú Lâm: 220/học sinh/400, Trường TH Công nghiệp : 270 học sinh /614 , Trường Kỹ thuật Cơ khí luyện kim Sài Gòn: 60 học sinh/685… Ngay cả những trường dạy nghề có tên tuổi như Lý Tự Trọng cũng chỉ tuyển được 85% so với chỉ tiêu.

Trong khi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng loạt kêu than vì thiếu lao động có tay nghề, kỹ thuật thì đầu vào của các trường nghề, cơ sở dạy nghề luôn trong tình trạng thiếu người học hoặc teo tóp nguồn tuyển. Đó là chưa kể tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm ở các trường dạy nghề luôn ở mức báo động (khoảng 30%-35%). Điều này khiến cho hiệu suất đào tạo nghề ở TPHCM vốn đã thấp lại càng thấp hơn.

    Vì đâu nên nỗi?

Trước thực tế này, gần đây nhiều trường THCN và CNKT đã tìm mọi cách đổi đời- lên “mác” cao đẳng thật nhanh nếu không là tự giết mình. Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Phan Hòa chua chát nói: “Bây giờ các trường đại học, cao đẳng cũng “ôm” thêm mảng dạy nghề nên phần lớn học sinh có xu hướng đổ về những nơi có “mác” đó để học nghề. Các trường nghề có quy mô nhỏ - thuộc diện chiếu dưới như chúng tôi phải chịu thua thiệt, dài cổ chờ học sinh”.

Mặt khác, trong khi các trường dạy nghề trung ương liên tục được đầu tư số tiền lớn để đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề thì các trường nghề của TPHCM ít được đầu tư, chậm đổi mới về mọi mặt. Ông Hứa Văn Nhơn, Hiệu trưởng Trường CNKT Củ Chi bộc bạch: “Cứ nhìn vào môi trường học nghề của trường chúng tôi thì sẽ hiểu nguyên do nào khiến học sinh quay lưng và trường nghề vắng người học”.

Năm học mới bắt đầu nhưng cơ sở vật chất của trường ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trường có tổng cộng 8 phòng học, thực hành thì có đến 5 phòng học xuống cấp và chực chờ sập bất cứ lúc nào. Được xác định là cơ sở cung cấp nguồn lao động chính cho Khu Công nghiệp Tây Bắc và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm dạy nghề Củ Chi được đổi thành Trường Công nhân kỹ thuật Củ Chi. Thế nhưng sau thời gian dài được đổi “mác” từ trung tâm lên trường CNKT, đến năm 2003 trường mới được UBND TPHCM xét duyệt kinh phí đầu tư 26 tỷ đồng và năm 2005 mới được ghi vốn thực hiện dự án. Với tiến độ duyệt dự án cũng như phân bổ vốn đầu tư kiểu này thì không biết đến bao giờ trường mới có kinh phí để cải tạo môi trường học nghề đang xuống dốc nghiêm trọng như hiện nay?

    Đừng trách học sinh…

Thời gian gần đây, nhiều trường dạy nghề đã cố gắng tự đổi mới, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, nội dung đào tạo nhằm bắt kịp dần trình độ công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuất. Thế nhưng, sự nỗ lực này còn tự phát và manh mún vì thiếu tài lực. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có khoảng 20%-30% thiết bị của các trường dạy nghề thuộc TPHCM được coi là hiện đại, đạt yêu cầu, còn lại đều lạc hậu, xuống cấp. Hiệu trưởng một trường dạy nghề ở vùng ven TPHCM thú thật rằng: “Nhìn vào cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu và xuống cấp, giáo viên còn ngán dạy, huống chi là học trò”.

“Thực tế cho thấy, để đầu tư cho một trường nghề đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cần khoản kinh phí đầu tư tối thiểu 80-100 tỷ đồng. Thế nhưng, suốt thời gian qua, chưa có một trường dạy nghề nào ở TPHCM được đầu tư tới mức này và trường được đầu tư kinh phí cao nhất cũng chưa tới 50 tỷ đồng”- ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TBXH TPHCM thừa nhận.

Phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng các trường nghề vắng bóng học sinh, ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội Dạy nghề TPHCM thẳng thắn nhìn nhận: “Đừng trách vì sao học sinh và phụ huynh quay lưng với các trường nghề mà hãy hỏi ngược lại rằng Nhà nước, thành phố chúng ta đã đầu tư cho ngành dạy nghề như thế nào để tạo dựng môi trường học nghề hấp dẫn cho các em?”. Rõ ràng nếu không có quyết sách phù hợp đầu tư khẩn cấp cho cỗ máy dạy nghề đang trong tình trạng suy nhược về thể lực thì TPHCM không thể có nguồn nhân lực có tay nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật trước mắt cũng như lâu dài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét