Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm của tổ chức Công đoàn góp phần phát triển thị trường lao động

 Có thể nói Luật Lao động và Luật Dạy nghề là căn cứ pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển hệ thống dạy nghề và giới thiệu việc làm trong cả nước nói chung và hệ thống Công đoàn Việt Nam nói riêng. 2 năm gần đây hệ thống cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm Công đoàn đã có sự thay đổi và chuyển dịch mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tính đến hết tháng 3/ 2009, hệ thống cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm Công đoàn Việt Nam có 1 Trường Cao đẳng nghề, 14 Trường Trung cấp nghề 3 Trung tâm dạy nghề và 31 Trung tâm giới thiệu việc làm.



Hoạt động của các các Trường, Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giới thiệu việc làm đã có những đóng góp tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh.



 Về công tác của các trường dạy nghề



Năm 2008, các Trường Cao đẳng nghề, Trường Trung cấp nghề và Trung tâm dạy nghề - Công đoàn Việt Nam đã tích cực tổ chức, thực hiện các hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm, đã sử dụng một cách có hiệu quả về cơ sở vật chất sẵn có để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đã  đào tạo 30.949 học sinh học nghề. Trong đó, có 16.145 học sinh học nghề theo hình thức chính quy và 14.804 người học nghề thường xuyên.



Trong số học sinh học nghề theo hình thức chính quy có 106 học sinh cao đẳng nghề, 5.073 học sinh trung cấp nghề , 10.966 học sinh sơ cấp nghề.



Ngoài nhiệm vụ chính là đào tạo nghề ở các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề, các Trường, Trung tâm dạy nghề đã liên kết với các cơ sở khác để đào tạo 13.157 người. Tư vấn học nghề 27.030 người và Giới thiệu việc làm cho 5.043 người có việc làm ổn định.



Về chất lượng dạy nghề, nhìn chung có nhiều tiến bộ, đặc biệt từ khi có Luật dạy nghề, các cấp trình độ được xác định cụ thể, rõ ràng. Trên cơ sở chương trình khung của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhiều trường đã tự biên soạn nội dung, xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy và tiến hành các bước xây dựng, thẩm định, phê duyệt chương trình theo đúng các quy định hiện hành như: Trường cao đẳng nghề Đồng Khởi, Trường Trung cấp nghề Nghệ An, Trường Trung cấp nghề số 5 (Hà Tĩnh), Đồng Nai, Nam Định, Thái Nguyên.



Ngoài ra, các Trường còn chủ động tổ chức, thực hiện các hoạt động chuyên môn, tổ chức dự giờ, thi giáo viên dạy giỏi, hội thi tay nghề học sinh. Trong các đợt thi học sinh giỏi tay nghề ở địa bàn tỉnh, khu vực và quốc gia, một số em học sinh của các Trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề của Công đoàn đã đạt được giải. Thông qua các hoạt động hội giảng, dự giờ, thi giáo viên dạy giỏi, thi tay nghề học sinh đã kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần hăng say nghiên cứu, giảng dạy và học tập, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời cũng thể hiện uy tín , kinh nghiệm và  vị thế của nhà trường. Trong khi còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trường có kế hoạch, đầu tư về thời gian và kinh phí để cử giáo viên theo học các lớp sau đại học, dự các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ quản lý, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, các lớp kiểm định viên chất lượng dạy nghề do địa phương và Tổng cục dạy nghề tổ chức.



Việc dạy nghề gắn với việc làm, cung ứng lao động có địa chỉ cho doanh nghiệp là một hướng đi đúng, đáp ứng giải quyết mối quan tâm đặc biệt của học sinh học nghề. Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Công nghiệp Thái Bình, Trường Trung cấp nghề số 5 (Hà Tĩnh) đã liên kết dạy nghề, cung cấp nhân lực kỹ thuật cho các doanh nghiệp khu công nghiệp mới. Hầu hết số học sinh sau khi tốt nghiệp tại trường đều được ký hợp đồng lao động tại doanh nghiệp.



Các Trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề ngoài nhiệm vụ chính là dạy nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp nghề còn chú trọng mở rộng đa dạng các loại hình, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Từ việc đi xuống các địa bàn huyện, xã để tổ chức dạy nghề ngắn hạn theo yêu cầu, còn mở thêm các nghề mà xã hội đang có nhu cầu rất lớn như dạy lái xe ô tô, xe máy như Trường Trung cấp nghề số 5 Hà Tĩnh, Trường TCN Thái Nguyên, Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi (Bến Tre) ; Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Hà Nam tổ chức dạy nghề lái xe với quy mô lớn và kết hợp với các Ban Ngành của tỉnh tổ chức thi,  kiểm tra sát hạch trình độ lái xe.



Để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ quản lý công tác dạy nghề, nhiều trường đã cử cán bộ lãnh đạo từ phó trưởng phòng, ban, khoa trở lên tham dự  lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cơ sở dạy nghề do Tổng cục Dạy nghề tổ chức tại Hà Nội. Cũng trong năm qua, hằng trăm cán bộ của các Trường đã tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở lao động-Thương binh và xã hội ở các địa phương tổ chức.

 Về hoạt động giới thiệu việc làm



Theo số liệu tổng hợp báo cáo của 33 Trung tâm giới thiệu việc làm, trong năm 2008 các Trung tâm giới thiệu việc làm của tổ chức Công đoàn đã tham gia tích cực các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc cho người lao động, đặc biệt là cuối năm 2008 do suy thái kinh tế thế giới, hàng loạt doanh nghiệp phải thu hẹp, ngừng sản xuất làm cho nhiều lao động bị mất việc làm. Các Trung tâm giới thiệu việc làm LĐLĐ các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… đã chủ động, tích cực tham gia giới thiệu việc làm giúp nguời lao động sớm tìm được việc làm để ổn định đời sống. Kết quả năm 2008 đã tư vấn việc làm, học nghề và chính sách việc làm cho 116.620 lượt người; giới thiệu việc làm cho 21.959 người; dạy nghề thường xuyên cho 43.087 người; liên kết đào tạo cho 28.104 người.



Các Trung tâm giới thiệu việc làm đã có nhiều cố gắng tiếp tục đổi mới hoạt động, xây dựng trang Website, xây dựng và tập hợp các dữ liệu thông tin về giới thiệu việc làm và nhu cầu nhận lao động ở các doanh nghiệp để người lao động thuận tiện trong việc liên hệ đăng ký tìm việc làm. Bằng các hình thức tuyên truyền, cung cấp tờ rơi, thông qua tổ chức hội nghị để giới thiệu hoạt động của Trung tâm về những nghề đào tạo và nhu cầu tuyển lao động của các cơ quan doanh nghiệp, tuyên truyền phổ biến tới các cấp công đoàn, kết quả đã đem lại những hiệu quả rất thiết thực.



Các Trung tâm giới thiệu việc làm Công đoàn đã có những đóng góp tích cực đối với các hoạt động phát triển thị trường lao động ở địa phương như tham gia Hội chợ việc làm, phiên chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm, tham gia tổ chức ngày hội tuyển dụng, cung cấp thông tin việc làm đến các địa bàn phường xã, quan tâm đến các đối tượng lao động ở khu vực nông thôn.



Mặt khác, công tác thu thập, cung cấp thông tin thị trường lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, người lao động và các cơ sở đào tạo giáo dục, phục vụ theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở các địa phương… thường xuyên được các Trung tâm coi trọng, quan tâm thực hiện.



Tồn tại, hạn chế



Mặc dù đạt được nhiều kết quả thành tích nêu trên nhưng hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm trong năm qua vẫn còn một số tồn tại hạn chế, cụ thể là :



- Nhận thức về mục đích và tính chất hoạt động giới thiệu việc làm, dạy nghề chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa thấy hết vai trò, ý nghĩa của công tác chăm lo đời sống cho người lao động. Chăm lo giải quyết việc làm cho người lao động thông qua hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích người lao động của tổ chức Công đoàn.



- Chất lượng cán bộ, giáo viên làm công tác giới thiệu việc làm và dạy nghề vẫn còn bất cập, thiếu năng động, sáng tạo, chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu mới. Sự gắn kết giữa các trung tâm, trường trong quá trình hoạt động và mối liên hệ giữa Trung tâm giới thiệu việc làm, Trường dạy nghề và trung tâm dạy nghề với doanh nghiệp còn lỏng lẻo.



- Sau hơn 2 năm thành lập, một số trường Trung cấp nghề vẫn chưa có đủ đội ngũ giáo viên cho từng nghề đào tạo ở trình độ trung cấp nghề; chưa xây dựng, thẩm định và phê duyệt chương trình cho từng nghề đào tạo theo quy định của Nhà nước, chưa tập chung cho công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ để tự đào tạo mà vẫn nặng về công tác liên kết đào tạo.



Một số định hướng giải pháp cho thời gian tới



Để công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm của tổ chức công đoàn hoạt động tốt hơn và có hiệu quả hơn trong thời gian tới, các Trường dạy nghề, Trung tâm GTVL của tổ chức Công đoàn cần tập trung làm tốt một số công tác sau:



Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt nắm vững và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác Dạy nghề và Giới thiệu việc làm. Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động dạy nghề, và giới thiệu việc làm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội, chuyển mạnh từ dạy nghề dựa trên năng lực sẵn có của các Trường, Trung tâm sang việc dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Dạy nghề gắn phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, địa phương, của doanh nghiệp và gắn với nhu cầu việc làm của người lao động.



Hai là, Sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất, phòng học, nhà xưởng, trang thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ, giáo viên; nâng cao chất lượng dạy và học, hoàn thiện nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy cho từng nghề, đào tạo lại và giới thiệu việc làm cho nguời lao động, đặc biệt đối với lao động bị mất việc làm do khủng hoảng kinh tế. Gắn dạy nghề với giới thiệu việc làm, tham gia với địa phương thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.



Ba là, xây dựng đề án quy hoạch và các giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển của từng đơn vị về quy mô đào tạo, số nghề đào tạo; cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ, giáo viên; cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình, giáo trình, phương tiện dạy học; hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư cho hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội.



Bốn là, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TLĐ ngày 02/7/2009 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc phê duyệt đề án Quy hoạch mạng lưới Trường nghề, Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giới thiệu việc làm của Công đoàn đến năm 2013 và định hướng đến năm 2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét